Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Học gì?(Trương Đình Anh_Tổng giám đốc FPT)

Thứ bảy, ngày 03 tháng năm năm 2008


Học gì?



Sau khi viết entry Hội nhập và "hòa tan", nhiều bạn đã comment về dạy tiếng Anh, tiếng Nhật và đào tạo các kỹ năng trong doanh nghiệp.
Tôi thấy chủ đề này rất hay và muốn chia sẻ ý tưởng.
Quan điểm cá nhân của tôi, doanh nghiệp không phải là trường học để dạy những kiến thức chung chung cho nhân viên. Dạy những kiến thức phông nền (background knowledges) là trách nhiệm của nhà trường.

Doanh nghiệp chỉ đào tạo cho nhân viên những kỹ năng gì mà đã, đang và sẽ mang lại ích lợi lớn hơn cho doanh nghiệp. Trong tiếng Anh, người ta phân biệt là từ "education" - dạy kiến thức chung do trường lớp tiến hành và "training" - dạy kỹ năng có thể do doanh nghiệp tiến hành.
Trong thế giới toàn cầu hóa, ngoại ngữ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngoại ngữ đem lại sự tiếp cận thông tin, kiến thức nhanh nhất và mang lại cơ hội làm ăn nhiều nhất. Ngoại ngữ không chỉ cần cho những dịch vụ cao siêu như xuất khẩu phần mềm mà cần cho cả những công việc giản đơn như xuất khẩu người giúp việc.
Một công ty sở hữu những kỹ sư phần mềm nói thạo tiếng Nhật có thể lập tức nâng giá xuất khẩu man/month từ 1,000 - 1,500 USD lên 2,000 - 2,500 USD. Chưa kể khi thông thạo ngôn ngữ của khách hàng, chúng ta hiểu rõ hơn họ muốn gì thì chắc chăn sản phẩm mà chúng ta làm ra sẽ đáp ứng khách hàng tốt hơn, ít phải sửa chữa và tiết kiệm được nhiều các phí tổn "overhead".
Một cô gái đi làm người giúp việc ở các nước trong khu vực chắc chắn sẽ được trả lương cao gấp đôi nếu nói thạo tiếng Anh hoặc tiếng Hoa và sẽ còn nhận được nhiều lợi ích hơn nữa nếu nấu ăn ngon, nếu biết sử dụng các tiện ích trong nhà và làm việc một cách sạch sẽ.
Cách đây ít lâu, anh bạn tôi tình cờ gặp một nhóm các cô gái đi làm người giúp việc về phép, đang chờ nối chuyến ở sân bay Hồng Kông, các cô khoe là được chủ nhà quý lắm vì các cô nấu ăn ngon hơn các đồng nghiệp đến từ Philippine và sạch sẽ các đồng nghiệp đến từ Ấn Độ. Các cô chắc sẽ còn được chủ nhà biệt đãi hơn nhiều nếu nói sõi tiếng Anh như các đồng nghiệp kia.
Do đó, nếu đặt vấn đề một cách cởi mở là nền giáo dục làm sao phải cho đầu ra là những công dân có thể tham dự một cách toàn diện vào thế giới toàn cầu hóa thì sẽ thấy ngành giáo dục Việt Nam đang đi là lạc lối.
Nhìn vào lịch sử, cách đây gần hai trăm năm, chế độ thi cử và quan trường hủ lậu của Nhà Nguyễn với những ông vua suốt ngày thơ phú đối ẩm như vua Tự Đức, với những lớp sỹ phu suốt ngày dài lưng tốn vải trau văn dồi sử đã dẫn đến nước nhà lạc hậu rồi mất nước.