Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Những quan niệm thường gặp về giới nam, giới nữ

Bài viết từ trang Web: http://www.ykhoanet.com

Xa xưa trong lịch sử, mỗi giống người đều có thời kỳ dài sống trong chế độ mẫu hệ, con cái thuộc về mẹ và theo họ mẹ. Sau đó, do nhu cầu hình thành đơn vị gia đình nhỏ và do phải đi kiếm ăn xa, người đàn ông dần chiếm ưu thế và chế độ phụ hệ hình thành. Qua bao thế kỷ, xã hội thay đổi và mỗi con người cũng thay đổi theo.
Qua các giai đoạn lịch sử, do sự thay đổi về hoàn cảnh chính trị, kinh tế nên vai trò của giới nam và giới nữ trong gia đình và xã hội cũng thay đổi. Do đó, quan niệm về tính cách, quy tắc xử thế của mỗi giới cũng biến đổi không ngừng.
Xã hội càng văn minh, người ta càng công nhận quyền bình đẳng của hai giới. Trong phân công lao động, vai trò của hai giới xích lại gần nhau, hệ thống giáo dục cũng không phân biệt giới tính. Về nguyên tắc, ngày nay mỗi một con người, dù nam hay nữ, đều có điều kiện phát triển toàn diện hơn, không phải bó hẹp trong các khuôn mẫu cổ xưa về đàn ông và đàn bà nữa.
Tuy nhiên, các quy định, quy tắc cũ xã hội vẫn còn để lại những "dư âm" của nó, ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi con người. Để hiểu được tác động đó, chúng ta hãy cùng nhau theo dõi cuộc đời của hai con người, một nữ, một nam.
Bé Đức và bé Hằng sinh ra cùng ngày, giờ, tháng, năm ở cùng một nhà hộ sinh. Gia đình hai em là hai gia dình bình thường trong xã hội, không có gì khác biệt nhau. Quan niệm nuôi dạy con cái của hai gia đình là những quan niệm điển hình trong xã hội. Hai em lớn lên như thế nào?
Khi bắt đầu biết nghĩ, Đức và Hằng thấy rằng trong gia đình có một số điểm khác biệt nho nhỏ trong việc dạy con trai và con gái. Chẳng hạn, hễ Đức khóc nhè là bố mẹ bảo: “Con trai không khóc nhè. Xấu lắm”. Còn đối với Hằng thì bố mẹ chỉ tặc lưỡi: “Con gái nhõng nhẽo thế đấy”. Nhìn chị em gái, Đức ấm ức nghĩ, tại sao con gái thì được khóc mà con trai lại không. Tuy nhiên, dần dần cậu bé cũng học được cách giữ kín cảm xúc để khỏi bị coi là “đồ con gái”. Hằng thì biết rằng đó chỉ là "nhõng nhẽo kiểu con gái" thôi nên đôi khi cũng lợi dụng hờn dỗi để vòi vĩnh bố mẹ.
Lớn lên một chút hai em học được cách cư xử cho ra con trai hay con gái. Vốn tính hiếu động, cả Đức, Hằng đều vui đùa, chạy nhảy, hò hét vang trời. Người lớn bảo Hằng: “Phải nhẹ nhàng chứ. Con gái gì mà như quỷ” khiến cho em dần dần trầm tính lại, sợ mình không giống con gái. Bố mẹ Đức lại tự hào khoe với mọi người: “Đúng là con trai nó hiếu động lắm bác ạ”, làm cậu bé nghĩ chắc phải nghịch ngợm thật nhiều thì mới là con trai.
Đi học về, Hằng được mẹ bảo vào bếp giúp việc nhà. Nhìn đám trẻ chơi ngoài sân cô bé thèm lắm nhưng thương mẹ nên đành nhịn. Đức thì ngược lại, học về là quăng sách vở chạy đi chơi, tới giờ cơm mới phải về. Đương nhiên cậu bé nghĩ cơm nước nhà cửa chẳng phải việc của mình, cha mẹ vẫn bảo đó là việc của con gái mà.
Đến tuổi cập kê, cả Đức và Hằng đều quan tâm đến các bạn khác giới. Bố mẹ Hằng liền dạy cô phải ý tứ, không đi chơi về muộn, phải cẩn thận với bọn con trai. Có thể Hằng là một cô gái bản chất hồn nhiên và bạo dạn, nhưng giờ đây cô phải học cách khoác lên mình chiếc áo thiếu nữ, sao cho ra dáng nhu mì, hiền thục, đoan trang. Đức thì chẳng thấy ai dạy phải ý tứ bao giờ, chỉ thấy luôn bị khích phải dũng cảm lên, đừng có “nhát như con gái”, nên lúc nào cũng phải lên gân ra vẻ ta đây đàn ông mạnh mẽ.
Đức và Hằng đều được nghe vô số điều thiên hạ nói về con trai, con gái. Con gái thì phải biết chờ đợi, nếu đến làm quen hay gần gũi bạn trai thì là “trơ tráo”, “cọc đi tìm trâu”. Con gái mà không biết giữ gìn trinh tiết thì là “đồ bỏ đi”. Trái lại, con trai thì phải biết “tán gái”, “trồng cây si”, “nói những lời có cánh”. Con trai có nhu cầu sinh dục cao, nên hay “ép bạn gái chiều”. Con trai thích “chơi bời cho có kinh nghiệm”. Những quan niệm đó của xã hội dần dần ăn vào tiềm thức của Đức và Hằng cũng như bao thanh thiếu niên khác. Hội bạn gái của Hằng suốt ngày nói chuyện cô này phải xử sự thế nào khi có một anh chàng nào đó theo đuổi, cô kia rất thích một anh chàng nhưng chẳng biết phải làm gì, cô khác nói không biết nên chiều người yêu hay là nên giữ. Hội bạn của Đức thì nhiều khi ba hoa về khả năng quyến rũ con gái, về việc chinh phục một cô này, về sắc đẹp cô khác, có khi còn rủ nhau đi “chơi bời” đâu đó.
Đức và Hằng gặp gỡ và có cảm tình với nhau, "tình trong như đã mặt ngoài còn e". Đức đêm nào cũng tự nhủ: “Ngày mai nhất định mình phải tỏ tình với cô ấy. Biết nói thế nào, nói ở đâu bây giờ?” rồi cứ đến lúc gặp là lại sợ, không biết nói gì. Sứ mệnh tỏ tình đeo nặng khiến cho cậu mất ăn mất ngủ. Hằng thì phải chờ đợi, không dám tỏ ý gì vì “con gái thì phải giữ giá”, nên cũng khổ sở không kém.
Rồi cũng đến lúc họ trở thành người yêu. Đi chơi đâu Đức cũng rút tiền ra trả, vì “phải ga lăng mới đáng mặt đàn ông”, mặc dù nhiều khi chàng phải vay tiền chúng bạn. Hằng nhìn người yêu lúc nào cũng trả tiền thì thương, nhưng không dám trả tiền vì sợ Đức ngượng. Hai người gần gũi nhau, và có những lúc họ cảm thấy rất hấp dẫn nhau về thể xác. Hằng vội gạt ý nghĩ ấy đi, vì cô đã khắc sâu quan niệm những cái đó là “không trong trắng”. Còn Đức nghĩ như thế là bình thường, vì xưa nay bạn bè cậu vẫn nói chuyện ấy mà. Dần dà thân thiết nhau lắm rồi, Đức bắt đầu muốn nài Hằng “đi xa hơn nữa”, một phần vì nhu cầu của chàng, một phần vì cái kiêu hãnh “đàn ông là như thế mà”. Hằng thì sợ rằng biết đâu mình sẽ trở thành đồ bỏ đi thật. Bình thường cô vẫn luôn dịu dàng với người yêu, nên tự nhiên lại phải tỏ ra cương quyết thực chẳng dễ chút nào. Mà bản thân cô cũng bị lôi kéo lắm chứ. Thật là tiến thoái lưỡng nan. Câu chuyện có thể đi theo nhiều hướng.
Rất có thể Đức và Hằng cùng đi đến hôn nhân. Họ bước vào cuộc sống vợ chồng với bao bỡ ngỡ. Thiên hạ nói chồng là chủ gia đình, quyết định mọi việc, lo kinh tế, còn vợ thì chủ yếu là lo việc nhà, chăm sóc con cái, coi sự nghiệp của chồng hơn sự nghiệp của mình. Hằng lo hầu hết mọi việc trong nhà. Buổi đầu, Đức cũng giúp vợ nhưng sau có người hàng xóm chê là “anh hầu vợ”, khiến anh ngượng, nên thôi. Hằng nghĩ đến những hoài bão của mình, rất muốn phấn đấu, nhưng liền được mọi người nhắc nhở: “Đàn bà mà ham công việc là thiếu nữ tính, không giữ được chồng đâu”. Chị lo lắng, rồi cũng quên dần những ước vọng của mình vì đã bắt đầu sinh con, chăm con thì còn đâu thời gian nữa. Chị thầm ghen tị với sự vô lo vô nghĩ, sự thành đạt của chồng, nhưng chẳng bao giờ nói ra, sợ gia đình sứt mẻ.
Cuộc sống cứ trôi qua, Hằng bận bịu ở nhà, Đức dành nhiều thời gian ở cơ quan, với bạn bè. Bản tính tốt, nhưng vì bạn bè lôi kéo, anh dần dần ham rượu bia, thậm chí cả chơi bời trai gái. Anh tặc lưỡi: “Không có tật nào thì không phải là đàn ông”. Chị cố khuyên giải chồng không được thì giận, nhưng đành chịu đựng, vì mọi người vẫn nói: “Phụ nữ là phải vị tha”. Nếu anh đi yêu người khác thì chị phải lo làm đẹp, chiều anh để giữ gìn “hạnh phúc”. Chị thầm nghĩ nếu là chị làm việc đó thì đã bị tất cả mọi người lên án.
Đó là nếu họ cưới nhau. Còn nếu mọi chuyện không mấy tốt đẹp, chẳng hạn Hằng đã “trao thân” cho Đức nhưng hai người không thành hôn, thì có thể mỗi người sẽ một đường. Đức sẽ tấn công một cô gái khác, được cô ấy yêu và chăm sóc. Còn Hằng thì khi yêu lần sau sẽ phải nghĩ đến đau đầu: “Mình có nên nói với anh ấy là mình không còn toàn vẹn không nhỉ?”. Và người yêu cô được xã hội trao cho cái quyền phán xét cô, mặc dù chưa chắc anh đã là một người “trong trắng”.
Vậy đó, đời sinh ra hai đứa trẻ, để rồi chúng có hai cuộc sống khác nhau chỉ vì một là trai, một là gái. Nhiều người bảo là do số phận. Nhưng số phận này do đâu mà có? Chẳng phải ông trời nào quy định, mà chỉ là do các quan niệm xã hội nhào nặn mà nên. Nếu các quan niệm xã hội khác đi thì Đức và Hằng có thể trở nên hai con người với suy nghĩ khác, vai trò khác, tức là số phận của họ thay đổi hẳn.
Mỗi chúng ta có thể có cuộc sống khác với hai nhân vật này, nhưng đều bị ảnh hưởng bởi các quan niệm trình bày trong câu chuyện. Trong hơn 70 triệu người Việt Nam, tất nhiên có rất nhiều người yên ổn trong cái vai trò xã hội giao cho họ, chẳng bao giờ phàn nàn hay muốn sống khác đi, những quan niệm đó đã ăn sâu vào nhận thức của họ. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng có vô số người phải ngày ngày chịu đựng cái cuộc sống không theo mong muốn thực sự của mình, và còn nhiều người sống vượt ra khỏi cái khuôn khổ định sẵn. Những quan niệm “ngược dòng” không phải là hiếm, rất nhiều bạn trẻ đã tâm sự với nhau những suy nghĩ tiên tiến của mình:
"Em thích một cô gái thông minh, nhanh nhẹn, vì đâu cứ phải dịu dàng nhỏ nhẹ mới là con gái. Một số bạn gái cứ tưởng nhỏ nhẹ, hiền dịu mới là nữ tính nên cố tỏ ra như vậy, nhiều khi đến mức thụ động, không chịu suy nghĩ, ai nói gì cũng dạ vâng. Có khi mình suy nghĩ khác nhưng để tỏ ra dịu dàng họ cũng ừ đại đi. Em nghĩ người phụ nữ dịu dàng vẫn có thể là người biết hài hước, nói chuyện thông minh, yêu say đắm và tỏ tình trước. Em ghét nhất những bạn gái hỏi cái gì cũng “em không biết”. Nhiều khi người thụ động có thể biến thành người giả dối".
(Tùng, 19 tuổi)
"Người yêu em làm khoa học. Anh ấy rất thông minh và hiểu biết nên em rất phục. Làm khoa học không phải là nghề kiếm được nhiều tiền, và em cũng không lấy thế làm điều quan trọng. Khi đi chơi, đứa nào có tiền thì trả thôi. Mà anh ấy hiền lành lắm, không phải là người tháo vát, giải quyết được mọi chuyện nhưng anh ấy rất yêu quý và tôn trọng em".
(Hương, 20 tuổi)
"Sách nào cũng viết là phụ nữ phải chiều chồng, phải ăn mặc cho tinh tươm, rồi phải biết đối xử tinh tế. Cứ theo sách báo viết thì phụ nữ chẳng là gì cả. Cái gì xảy ra cũng do lỗi của phụ nữ. Mất trinh cũng tại chúng ta nhẹ dạ, chồng chê thì tại chúng ta không khéo léo. Buồn nhất là khi chồng đi ngoại tình thì xã hội cũng lại lên án phụ nữ là không biết giữ. Ghen tuông thì bị chê là nóng nảy, mất nữ tính. Gia đình tan nát thì phụ nữ lại bị chê cười là không biết hy sinh, chịu đựng để con cái phải chịu cảnh bơ vơ".
(Lan, 17 tuổi)
"Ai cũng biết là thuốc lá thì có hại, không những hại mình mà hại người khác nữa. Nhưng con trai rất khổ, không thể nào không hút. Mà hút rồi thì sinh nghiện, bỏ rất khó. Người yêu mình thì lo cho mình. Mình thì cố gắng đánh răng thật kỹ trước khi gặp cô ấy, không hút khi có cô ấy ở bên. Nhưng sau này lấy nhau rồi thì không biết thế nào".
(Thắng, 22 tuổi)
"Bạn không biết chứ con trai nhiều khi cũng nhát lắm. Tôi chẳng biết tỏ tình thế nào, run lắm. May mà bạn gái tôi bạo. Chúng tôi đi xem phim, tôi chẳng xem gì. Tôi chỉ muốn nói gì với cô ấy mà không nói được. Thế mà cô ấy biết, cô ấy giúp tôi, cầm lấy tay tôi. Tôi vừa sung sướng vừa thấy như trút được gánh nặng".
(Phương, 27 tuổi)
Mỗi con người đều là tổng hoà của nhiều phần tính cách. Dù là nam hay nữ thì cũng không ai chỉ có cương hay chỉ có nhu, mà cương nhu thường hoà trộn. Xã hội hiện đại công nhận rằng mỗi người đều có quyền làm chủ bản thân và mưu cầu hạnh phúc, không phân biệt địa vị xã hội hay giới tính. Chúng ta hãy cởi bỏ những định kiến cũ kỹ để mỗi cá nhân có thể phát triển hết tiềm năng của mình, thực sự làm người tự do, và cũng để hai giới học ở nhau những điều tốt đẹp, để mối quan hệ giữa 2 giới thêm yêu thương, chân thành và tôn trọng.