Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Học gì?(Trương Đình Anh_Tổng giám đốc FPT)

Thứ bảy, ngày 03 tháng năm năm 2008


Học gì?



Sau khi viết entry Hội nhập và "hòa tan", nhiều bạn đã comment về dạy tiếng Anh, tiếng Nhật và đào tạo các kỹ năng trong doanh nghiệp.
Tôi thấy chủ đề này rất hay và muốn chia sẻ ý tưởng.
Quan điểm cá nhân của tôi, doanh nghiệp không phải là trường học để dạy những kiến thức chung chung cho nhân viên. Dạy những kiến thức phông nền (background knowledges) là trách nhiệm của nhà trường.

Doanh nghiệp chỉ đào tạo cho nhân viên những kỹ năng gì mà đã, đang và sẽ mang lại ích lợi lớn hơn cho doanh nghiệp. Trong tiếng Anh, người ta phân biệt là từ "education" - dạy kiến thức chung do trường lớp tiến hành và "training" - dạy kỹ năng có thể do doanh nghiệp tiến hành.
Trong thế giới toàn cầu hóa, ngoại ngữ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngoại ngữ đem lại sự tiếp cận thông tin, kiến thức nhanh nhất và mang lại cơ hội làm ăn nhiều nhất. Ngoại ngữ không chỉ cần cho những dịch vụ cao siêu như xuất khẩu phần mềm mà cần cho cả những công việc giản đơn như xuất khẩu người giúp việc.
Một công ty sở hữu những kỹ sư phần mềm nói thạo tiếng Nhật có thể lập tức nâng giá xuất khẩu man/month từ 1,000 - 1,500 USD lên 2,000 - 2,500 USD. Chưa kể khi thông thạo ngôn ngữ của khách hàng, chúng ta hiểu rõ hơn họ muốn gì thì chắc chăn sản phẩm mà chúng ta làm ra sẽ đáp ứng khách hàng tốt hơn, ít phải sửa chữa và tiết kiệm được nhiều các phí tổn "overhead".
Một cô gái đi làm người giúp việc ở các nước trong khu vực chắc chắn sẽ được trả lương cao gấp đôi nếu nói thạo tiếng Anh hoặc tiếng Hoa và sẽ còn nhận được nhiều lợi ích hơn nữa nếu nấu ăn ngon, nếu biết sử dụng các tiện ích trong nhà và làm việc một cách sạch sẽ.
Cách đây ít lâu, anh bạn tôi tình cờ gặp một nhóm các cô gái đi làm người giúp việc về phép, đang chờ nối chuyến ở sân bay Hồng Kông, các cô khoe là được chủ nhà quý lắm vì các cô nấu ăn ngon hơn các đồng nghiệp đến từ Philippine và sạch sẽ các đồng nghiệp đến từ Ấn Độ. Các cô chắc sẽ còn được chủ nhà biệt đãi hơn nhiều nếu nói sõi tiếng Anh như các đồng nghiệp kia.
Do đó, nếu đặt vấn đề một cách cởi mở là nền giáo dục làm sao phải cho đầu ra là những công dân có thể tham dự một cách toàn diện vào thế giới toàn cầu hóa thì sẽ thấy ngành giáo dục Việt Nam đang đi là lạc lối.
Nhìn vào lịch sử, cách đây gần hai trăm năm, chế độ thi cử và quan trường hủ lậu của Nhà Nguyễn với những ông vua suốt ngày thơ phú đối ẩm như vua Tự Đức, với những lớp sỹ phu suốt ngày dài lưng tốn vải trau văn dồi sử đã dẫn đến nước nhà lạc hậu rồi mất nước.


Còn ngày nay, công thức đào tạo hiện thời đang cho ra lò những sản phẩm "dở ông dở thằng'. Sinh viên, học sinh của chúng ta sau khi tốt nghiệp gần như không thể bắt tay vào công việc mà thị trường yêu cầu. Các doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều chi phí để đào tạo lại nhân viên. Chúng ta lại đứng trước nguy cơ nô dịch theo kiểu mới khi bị cho ra rìa trong cuộc chơi toàn cầu hóa.
Nhiều kỹ năng tối cần thiết như ngoại ngữ, tin học, khai thác xử lý thông tin, giao tiếp, làm việc theo nhóm, ... của học sinh sinh viên Việt Nam khi tốt nghiệp đều ở mức rất thấp. Chỉ một số ít những người cố gắng học hỏi bên ngoài hệ thống đào tạo là mới sẵn sàng với đòi hỏi của các nhà tuyển dụng.
Có thể thấy, hệ thống đào tạo ở nước ta mang dấu ấn nặng của nguyên lý đào tạo "hàn lâm" của Liên Xô cũ.
Giả thiết với mức tăng dân số 1.5%, mỗi năm chúng ta sẽ có khoảng 1.2 triệu học sinh tốt nghiệp phổ thông. Chắc chỉ khoảng 150 - 200 ngàn học sinh sẽ học tiếp lên đại học. Sau đó, có lẽ độ 10 ngàn sẽ học tiếp cao học, 1 ngàn sẽ theo đuổi chương trình tiến sỹ.
Tuy nhiên chương trình giảng dạy ở trung học, đại học đều hướng tới việc cả 1.2 triệu học sinh ra trường hàng năm đều trở thành các giáo sư, viện sỹ trong khi chưa có tới một phần ngàn theo đuổi sự nghiệp này. Chương trình học cần đáp ứng mục tiêu an sinh lập nghiệp - "giáo dục vị nhân sinh" của số đông học sinh chứ không thể cắm đầu theo hướng "giáo dục vị giáo dục" của các nhà hàn lâm.
Chúng ta mất quá nhiều thời gian vào những văn, thơ, phú thay vì chỉ cần dạy cho học sinh các hưởng thụ văn học ở một mức độ phù hợp và để mở hướng cho những ai yêu thích sẽ tiếp tục tìm hiểu chuyên sâu hơn. Chúng ta lại dạy cho học sinh quá ít về cách trình bày vấn đề một cách gãy gọn, hay đơn giản hơn là làm sao chia sẻ được ý tưởng của mình một cách rành mạch, thí dụ qua blogging chẳng hạn.
Chúng ta dạy chương trình quá nặng về toán, lý, hóa, sinh, ... những kiến thức mà khi ra đời sẽ hiếm khi được dùng trừ những người sẽ theo đuổi chuyên ngành đó. Là người điều hành doanh nghiệp, kiến thức toán mà tôi dùng nhiều nhất là "cộng", "trừ", thi thoảng mới được "nhân", lâu lâu mới được "chia" và "đệ quy dãy số". Thế mà đa phần trong chúng ta đã bỏ những năm tốt nhất của cuộc đời để nghiền ngẫm nhưng phương trình vi phân, tích phân rồi nát óc với các tổ hợp sinh hóa và những định nghĩa vật lý cao siêu.
Chúng ta bắt học sinh mụ mị đi trong những bài học thuộc lòng dài lê thê về lịch sử trong khi chỉ cần dạy những khái niệm tổng quan về các thời đại lịch sử, còn lại thì chúng ta có thể tra cứu bất kỳ lúc nào trên Google hoặc Wikipedia với một chiếc máy tính nối Internet.
12 năm học nhồi nhét là một sự lãng phí nghiêm trọng nguồn lực xã hội. Công thức đào tạo như vậy đã lạc hậu cỡ 30 - 50 năm, phù hợp khi nhân loại chưa bước vào kỷ nguyên số với máy tính, mạng Internet và sự bùng nổ thông tin.
Bên cạnh đó, ý thức xã hội của chúng ta quan niệm một học sinh cứ phải đi cho bằng hết cái chuỗi giáo dục dài dằng dặc, ai rời khỏi quá trình đó trước khi đến được cái đích cuối cùng đều bị cho là kém năng lực.
16 năm trước, tôi tốt nghiệp đại học và quyết định chọn con đường kinh doanh, ông bà cụ nhà tôi - một giáo sư, một phó giáo sư nhà giáo ưu tú rất thất vọng. Các cụ muốn hướng tôi theo con đường học vấn truyền thống. Tôi phải rất cương quyết mới bảo vệ được lựa chọn của mình. Sau này, trong thời gian điều hành doanh nghiệp, tôi không ít lần gặp những trường hợp tương tự, nhiều nhân viên có năng lực của tôi đã buồn bã rời công ty để đáp ứng kỳ vọng học vấn của các bậc phụ huynh.
Chúng ta nên quan niệm học hành là theo khả năng. Toàn bộ quá trình giáo dục nên xây dựng như một đường tàu với nhiều nhà ga mà học sinh - hành khách có thể xuống ở bất kỳ ga nào, xuống tàu làm một hành vi bình thường để tham gia vào một công việc phù hợp năng lực và sở nguyện với mình.
Cách đây hơn 30 năm, Gordon More phát biểu định luật More về năng lực xử lý thông tin trên máy tính sẽ tăng gấp đôi sau mỗi chu kỳ 18 tháng. Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể hình dung tri thức nhân loại sẽ tăng với tốc độ tương tự. Như vậy, liệu chúng ta có đủ công sức đề nhồi nhét không? Hay là cần thay đổi phương thức đào tạo để mỗi học sinh có đủ kỹ năng để khai thác và xử lý thông tin từ mạng Internet thay vì cứ cố học thuộc lòng?
Tôi cho rằng thách thức sắp tới đây của mỗi quốc gia là xây dựng một nền công nghiệp đào tạo nhân lực. Quốc gia nào có thể đào tạo ra những nhân lực phù hợp toàn cầu hóa một cách hiệu quả sẽ có cơ hội lớn nhất trong thời đại mới này.
Đã đến lúc gác lại những ảo vọng tự hào về "rừng vàng", "biển bạc", "đất phì nhiêu" để dốc toàn lực vào cuộc cạnh tranh nhân lực. Trong thời đại mới, những ảo vọng tự hào kia chỉ có thể đem lại sự ô nhiễm, giá trị thấp và đói nghèo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét