Thứ Ba, 23/10/2012, 05:27 (GMT+7)
TT - Má tôi cả đời sống ở nông thôn. Bà chưa từng nhận hoa hay lời chúc tụng nào vào ngày 8-3 hay 20-10. Nhưng má không buồn.
Đám ruộng má tôi coi năm nào cũng trúng mùa hơn những đám ruộng trong xóm, vốn được chăm sóc bởi những ông nông dân thứ thiệt.
Bà nhạy cảm với cây cỏ, nắng mưa, không chống chỏi thiên nhiên mà nương theo nó. Má tôi nổi tiếng coi trời giỏi, làm ruộng mà đoán định được thời tiết coi như chắc ăn một nửa mùa rồi. Bác Tám, dượng Hai, chú Sáu... ai cũng nể trọng má tôi, cũng ngóng coi má tôi rục rịch làm gì với đám lúa để học theo, chuyện gì có tay má là ngon lành cả. Má xa lạ với cái câu mà những người phụ nữ quê khác hay thở dài ở đầu môi: “cái phận đàn bà mình...”.
Chị tôi thì lấy chồng về chợ đã 28 năm. Chị chưa từng nhận hoa hay những lời chúc tụng vào ngày 8-3 hay 20-10. Chị cũng không buồn. Chồng chị tử tế nhưng cù lần, nghĩ cứ thương nhau là được, cần gì phải bày nhiều trò. Chị giúp anh coi xưởng đồ gỗ, quản hơn hai chục nhân công, lúc rảnh còn thiết kế ra nhiều hoa văn, chi tiết khá đẹp. Đồ gỗ của xưởng anh chị vì vậy được ưa chuộng bởi tính độc đáo. Chị nói ít, không hay lườm nguýt nhưng làm gì chắc đó, nói gì chắc đó, vậy mà chuyện lớn nhỏ gì chồng cũng tham khảo, và nếu có tranh cãi cũng trên tinh thần tương kính. Chưa có việc gì mà chị phải trông chờ chồng, với cái lý do người ta hay viện đến “bởi mình là đàn bà mà...”.
Hai người phụ nữ này, tôi nghĩ, không cần ai giải phóng, bởi họ đã giải phóng mình rồi. Tôi hay thấy trên mạng những câu được cho là đầy nữ quyền, kiểu như “bạn có thể biến đàn ông thành nô lệ chỉ với chiếc xương quai xanh gợi tình”, mắc cười vì rốt cuộc chị em vẫn cứ đánh giá cao đàn ông, vẫn cứ lao tâm khổ trí làm sao để đánh gục được họ, đè đầu cưỡi cổ họ. Rốt cuộc phụ nữ luôn nói rằng mình giỏi nhưng khi ra bãi gửi xe vẫn chờ người đàn ông nào đó dắt xe ra giùm. Chờ đợi, kiểu gì thì cũng dở, dù là chờ đợi một cử chỉ ga lăng của người khác.
Tôi nghĩ rằng phụ nữ chỉ thực sự mạnh mẽ khi họ không còn ý thức cái - sự - phụ - nữ của mình nữa. Mở báo ra thấy viết về những người phụ nữ làm phụ hồ, làm cửu vạn, đạp xích lô... chúng ta hay kêu lên không thể như thế được, họ là phụ nữ mà, nhưng biết đâu người trong cuộc ấy vặn lại “sao lại không?”.
Tôi thích những người phụ nữ tự tại và tự trọng đến mức coi như đàn ông biến mất rồi. Họ làm đẹp vì chính họ chứ không vì ánh nhìn của đàn ông, để quyến rũ đàn ông; họ làm việc vì họ muốn chứ không phải chứng tỏ mình cũng mạnh mẽ. Họ trèo thang tre xóc nóc lại mái nhà, bưng bê vô đất mấy chậu cây, đóng đinh lên tường treo mấy cái ảnh... Thích gã nào thì cứ chạy đến bảo em thích anh rồi đó, anh nghĩ sao? Trong đầu họ không có khái niệm trâu và cột.
Sống được như thế thì không phải ngồi chờ được tặng quà.
Trích blog Sầu Riêng
Đây là một bài viết vừa xuất hiện trên blog có tên Sầu Riêng (của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) nhân ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ VN 20-10, hay còn gọi là Ngày phụ nữ VN. Trước đó, bài này đã xuất hiện nhân ngày 8-3 trên trang mạng Yahoo! Nhưng dù đăng lại, cái nhìn “nữ quyền” rất mạnh mẽ, độc lập và không kém phần hài hước sâu sắc của “cô Tư” vẫn nhận được vô số lời chia sẻ của cả phe nữ quyền và nam quyền.
Có người thích cô Tư viết hay, ý cũng hay nhưng cũng cho rằng: “Nam cần nữ, mà nữ cũng cần nam. Cả nam và nữ, dù là ai, khi đã đến với nhau thì dù ít dù nhiều cũng có những bổ khuyết, tương trợ nhau để cùng sống, cùng làm việc, cùng yêu thương nhau chứ nếu dựa dẫm, chờ đợi, phụ thuộc tiêu cực thì như xuồng hai mái rụng một chỉ làm mỏi mê, chán chường, thiên lệch, kiệt quệ mà thôi...”. Dù đã qua “ngày nhận quà” của chị em, câu chuyện của những người phụ nữ mạnh mẽ mà cô Tư kể vẫn có sức hút và đầy thời sự.
(CÁT KHUÊ)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét