Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

NGƯỜI THẦY BẤT ĐỘNG SẢN ĐẦU TIÊN CỦA TÔI( Phần 1)

Giá đất tại Hà Nội và TP HCM có thuộc loại cao nhất thế giới không?


Hồ Đắc Hưng -Tổng giám đốc
Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Việt Nam


Lời nói đầu
Bảy năm về trước, tôi là một kỹ sư điện tử hàng không và vì chuyên sâu vào nghề nghiệp của mình, tôi không có nhiều thời gian để tìm hiểu về lĩnh vực nhà đất. Như bạn bè cùng trang lứa, tôi bắt đầu cảm thấy cần phải mua cho mình một chỗ ở và bắt đầu tìm hiểu sơ qua về thị trường nhà đất. Khi đụng đến giá cả nhà đất, cảm giác đầu tiên của tôi là giá nhà đất cao đến độ phi lý mà người có thu nhập từ lương khá cao như tôi cũng không bao giờ có thể mua được. Những kiến thức lượm lặt ban đầu của tôi có thể tóm tắt như sau: giá đất tại Hà Nội và TPHCM thuộc loại cao nhất thế giới, giá đất trên thị trường là giá đất ảo, cao hơn rất nhiều so với giá trị thực, nguyên nhân giá đất cao là do đầu cơ kết hợp với cò thổi giá đất, nhà nước sẽ tăng các loại thuế liên quan để kéo giá đất xuống… Với những kiến thức này, tôi chỉ biết ngồi yên, lo lắng và chờ đợi một ngày giá cả nhà đất sẽ tụt xuống để số tiền dành dụm của tôi có thể đủ mua một căn nhà. Ngoài ra, vào thời điểm đó tôi cũng rất ác cảm với những ai làm nghề “cò đất” hay “đầu cơ”, những tác nhân chính gây bát nháo thị trường khiến cho những người như tôi không thể mua được nhà. Trong một chuyến đi dài ngày nâng cao nghề nghiệp điện tử hàng không tại Seattle (thủ phủ bang Washington, Mỹ), tôi đã gặp gỡ một người bà con, một người Mỹ gốc Việt mà tôi tạm gọi là người bạn Việt Kiều. Nghề nghiệp của anh là “cò nhà đất” nhưng tôi vẫn thích viết là “nhà môi giới địa ốc” (vì có vẻ từ này được tôn trọng hơn) mặc dù càng ngày tôi càng không thể phân biệt được thế nào là “cò” và thế nào là “môi giới”. Trong quá trình gặp gỡ và trao đổi với người bạn Việt Kiều, tôi đã rút ra nhiều bài học đối với tôi là rất có giá trị và tôi mong muốn được chia sẻ những câu chuyện này với những ai quan tâm đến lĩnh vực bất động sản.
Xã hội luôn biến đổi và phát triển liên tục nên không có bất cứ cái gì là hoàn hảo. Vì vậy, thiếu sót của những câu chuyện này là điều không thể tránh khỏi. Tôi mong muốn đón nhận những góp ý xây dựng của tất cả bạn đọc gần xa. Tôi chân thành biết ơn những người thân trong gia đình, toàn thể đại gia đình công ty Vinaland, bạn hữu, các đối tác, khách hàng của công ty Vinaland đã hỗ trợ nhiệt tình để tôi hoàn thành cuốn sách này.
CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT
Giá đất tại Hà Nội và TP HCM có thuộc loại cao nhất thế giới không?
Hôm đó, vào một ngày đẹp trời ở Seattle (thủ phủ bang Washington, Mỹ), tôi được người bạn Việt Kiều mời đến thăm căn hộ mới mua của anh ta. Sau một vòng thăm quan căn hộ, tôi hơi giật mình khi anh nói về giá căn hộ, tôi liền hỏi:
“Giá này hình như mắc hơn giá biệt thự trung bình ở quanh đây”.
“Làm gì có chuyện đó?” Anh cười lớn “Nếu trên đời này có chuyện đó, tôi sẽ mua biệt thự ngay, ở dưới đất vẫn thích hơn nhiều”.
“Rõ ràng nhiều người nói với tôi, khoảng 200 ngàn USD là có thể mua được biệt thự tương đối đẹp”. Tôi thắc mắc.
Anh dẫn tôi ra cửa sổ và nói: “Bạn thử nhìn xem quanh đây có biệt thự hay đại loại một căn nhà nào một trệt hai lầu không?”.
Tôi phóng tầm mắt ra xa, xung quanh tôi chỉ toàn cao ốc, những con đường dài nhiều làn xe, hai bên đường cây xanh và hoa nối tiếp trông thật đẹp mắt.
“Đây là down town (trung tâm) của Seatle”. Anh giải thích.”Đây là nơi làm việc, mua sắm, thương mại, dịch vụ… Đất quanh đây đẻ ra rất nhiều tiền ví dụ như xây siêu thị, cao ốc thương mại, một phần cao ốc để ở cho những người thích đi làm gần như tôi… Đất ở đây là vô giá, không ai dại gì xây biệt thự hay nhà thấp tầng một trệt hai lầu như ở quanh chợ Bến Thành của ta”.
“Thế vô giá là bao nhiêu?”. Tôi hỏi.
“Tôi chỉ là cò con, mua đi bán lại mấy căn hộ hoặc các biệt thự ngoại ô, giá đất ở đây bao nhiêu chỉ có các tỉ phú đô la BĐS như Donald Trump biết mà thôi”.
“Như vậy muốn mua biệt thự để ở phải đi xa khoảng 40- 60 km cách trung tâm”. Tôi bắt đầu mường tượng ra một số vấn đề.
“Đúng vậy, bạn đã hiểu rồi đó, tuy nhiên người Mỹ thích nói khoảng 20, 30 phút xe hơi đến trung tâm cho cảm giác gần gũi. Thế ở TPHCM, nếu cách chợ Bến Thành 40-60 km, giá đất xây biệt thự khoảng bao nhiêu?”. Bất ngờ anh hỏi.
“Chắc chỉ vài chục USD một mét vuông”. Tôi lúng túng trả lời.”Nhưng làm sao mà ở được, đi lại hàng ngày vừa mệt mỏi vừa mất hết thời gian”.
“Đúng vậy, giá đất ở ngoại thành TPHCM cực rẻ nhưng mọi người vẫn phải dồn vào trung tâm trong bán kính đi lại chỉ khoảng 10km. Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng ấn tượng nhất khi trở về thăm quê hương là mật độ người di chuyển trên đường phố tại Hà Nội và TPHCM dày đặc nhất mà tôi từng thấy. Hơn nữa, chúng ta chưa đủ tiền để xây cao ốc, xây đường xá mà người dân lại thích dồn vào hai thành phố này nên chỗ ở chắc chắn càng ngày càng khó khăn”.
“Không lẽ giá đất ở TPHCM và Hà Nội là rẻ so với thế giới? Điều này tôi chưa từng nghe ai nói thế bao giờ.” Tôi thực sự hoang mang về những hiểu biết đã định hình lâu nay.
“Tôi không nói thế”. Anh cười sảng khoái trước sự ngơ ngác của tôi. “Đơn giản là mọi sự so sánh giá đất tại TP HCM với Seattle, Tokyo, Bắc Kinh hoặc bất cứ thành phố hiện đại nào trên thế giới đều khập khiễng vì sự phát triển tài sản trên đất hoàn toàn khác nhau, mật độ dân cư khác nhau, chất lượng giao thông khác nhau và vô số điều khác biệt nữa. Theo tôi, chỉ có thể nói giá đất tại TP HCM cao hơn Biên Hòa là tương đối chính xác”.
“Thế tại sao nhiều bài báo viết rằng giá đất tại TP HCM và Hà Nội cao hơn so với nhiều TP hiện đại trên thế giới?”. Tôi thực sự lúng túng vì lâu nay tôi thường rất tin tưởng vào những hiểu biết hiển nhiên này.
“Bạn thân mến ơi, khi đọc bất cứ cái gì bạn cũng phải kiểm chứng chứ, hãy tìm xem bảng so sánh giá đất của TP HCM với Tokyo là của tổ chức nào, so sánh đất khu nào ở TP HCM với khu đất nào ở Tokyo, quan sát xem tài sản trên những mảnh đất đó có tương đương nhau không, rồi phải quan sát những tài sản trên đất của những khu lân cận, rồi phải xem vị trí khu đất trong thành phố, rồi phải xem có ai mua ai bán mảnh đất đó không, vào thời điểm nào và còn biết bao điều phải quan sát và thu thập thông tin nữa. Tôi đánh cược với bạn là TPHCM và Tokyo khác nhau xa lắm, không có tổ chức nào làm phép so sánh giá đất một cách nghiêm túc được đâu”.
Nhiều năm sau buổi gặp gỡ tuyệt vời này, tôi vẫn thấy những bài học ban đầu của nguời bạn Việt kiều thật có giá trị. Một số bài học đã được rút ra đã giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của tôi từ đó như sau:
- Giá đất tại Hà Nội và TPHCM chưa chắc đã quá đắt đỏ so với các nơi khác trên thế giới.
- Đất đai tại các khu trung tâm sầm uất là rất quý giá và càng ngày càng khan hiếm. Do đó chỉ có người rất giàu có mới có khả năng sở hữu.
- Chung cư sẽ là chỗ trong tương lai với giá cả tương đối khả thi đối với người dân thành phố
P/S:Chuyện vào nghề của tôi do Ông Hồ Đắc Hưng, hiện là Tổng Giám đốc Công ty Vinaland invest, một công ty kinh doanh bất động sản thành đạt tại Sài gòn.Câu chuyện này đã được đăng tải trên các tạp chí bất động sảnvà cũng được đánh giá cao. Tôi nghĩ câu chuyện này không chỉ bổ ích cho những ai đầu tư BĐS hoặc người môi giới, mà ngay cả với ai có nhu cầu tìm mua một căn nhà để an cư hiểu rõ hơn về xu thế của thị trường, từ đó đưa ra các quyết định có lợi nhất cho bản thân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét